20/10/2022 - Nghi
Khi những lần đi tắm trở thành phản ứng xà phòng hóa của este và dao động tắt dần diễn ra mỗi lần xe mình chạy qua ổ gà mình cảm thấy học lúc này thực sự là học.
Trong khóa Học Cách Học 1, mình được biết rằng chúng ta có xu hướng liên kết những thông tin mới, kiến thức mới với những gì đã học (relational learning) và càng liên kết được với nhiều kiến thức nền (schema) trong quá trình phân tích thông tin mới thì sẽ dễ nhớ hơn. Đồng thời, càng được nhắc lại nhiều lần thì kiến thức mới càng dễ nhớ, càng dễ để chúng ta truy cập vào nó về sau.
<aside> 💡 Schema đối với mình không nhất thiết là “kiến thức” nền về một lĩnh vực nào đó mà nó còn có thể là thông tin mà chúng ta biết từ đời sống.
</aside>
Đem kiến thức về learning sciene đó làm hành trang bước vào lớp 12, mình đã giảm được lượng kiến thức phải cram (học nhồi, học thuộc để kiểm tra rồi quên nhanh sau đó) đi rất nhiều nhờ liên kết được nội dung học với thực tế. Cũng có thể do may mắn nữa vì đúng là một số môn học ở lớp 12 có kiến thức gần với thực tế hơn so với nội dung học của các năm trước đó. Cụ thể là mình được học về dao động tắt dần môn lý, được áp dụng trong việc chế tạo bộ phận giảm xóc xe từ đó mỗi khi chạy xe qua đoạn đường xóc nảy thì mình sẽ lại nhẩm trong đầu về nội dung của bài học dao động tắt dần bao gồm khái niệm, cơ chế hoạt động và các công thức để làm bài tập của dao động tắt dần. Nhờ đó thời gian mình học được tản ra, cảm thấy có động lực hơn khi nhìn thấy được sự hiện hữu của kiến thức thật gần gũi chứ không mơ hồ như những con chữ trên giấy như trước đây nữa.
Ban đầu mình áp dụng nó theo bản năng nhưng về sau, khi kể cho mọi người trong lớp Học Cách Học 2, mọi người mới chỉ cho mình biết đây là phương pháp analorgy learning được xây dựng dựa trên thói quen relational learning của não bộ. Trong bài viết này mình xin phép tập trung viết về hành trình áp dụng nó nhiều hơn là khái niệm nên mình gửi mọi người tài liệu để đọc về khái niệm của analogy learning nhé.
Making science concepts meaningful to students: Teaching with analogies. - Glynn, S. M. (2008).
Cho đến hiện tại mình mới áp dụng được phương pháp cho 3 môn học đó là vật lý, hóa học và lịch sử. Đối với môn sử, do đặc thù năm 12 học nhiều về lịch sử thế giới cận đại (từ thế chiến thứ 1 trở về sau) nên rất dễ để thấy được ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đó lên đời sống hiện đại ngày nay sau khi nghe giảng trên lớp. Có thể nói, trật tự thế giới mới được thiết lập sau thế chiến thứ 2 chính là trật tự thế giới ngày nay, vị thế kinh tế-chính trị của các nước trên thế giới được quyết định nhiều bởi hoạt động trong và sau chiến tranh của họ, đồng thời các chế độ được sinh ra từ đó đến nay vẫn còn tồn tại chứ không biến mất như phong kiến nên chúng ta cũng dễ tạo mối liên hệ giữa bài học với bản thân hơn. Đối với môn hóa, mình nghĩ đến phản ứng xà phòng hóa của este mỗi khi tắm vì sản phẩm của phản ứng đó cũng như bản thân este có trong thành phần tạo nên sữa/dầu tắm. Phản ứng đó có chất tham gia là este và dung dịch kiềm, sản phẩm là ancol và muối. Dung dịch kiềm ở đây đóng vai trò tạo môi trường kiềm thích hợp cho phản ứng, được tạo ra từ sự kết hợp giữa nước và các ion kim loại dính lên bề mặt da, bông mút chà người trong thực tế (vì ngoài đời không ai lấy natri hidroxit hay kali hidroxit để đi tắm cả :))). Este được dùng để tạo hương (nếu sữa tắm của bạn có mùi hoa hồng thì trong đó khả năng cao chứa este geranyl axetat) và muối ở sản phẩm của phản ứng góp phần đóng vai trò làm sạch trong xà phòng.
Nếu bạn không ngại nghĩ về kiến thức thường xuyên để học hiệu quả hơn, đạt điểm cao hơn thì hãy thử cách học này cùng mình nhé! Cảm ơn vì đã đọc.